Mặc dù đã trải qua hai lần bị hacker tấn công, thiệt hại lên đến hàng triệu USD, nhưng dự án Polkadot vẫn giành được sự quan tâm to lớn từ cộng đồng đầu tư tiền điện tử thông qua các phiên đấu giá Parachain Auction trong thời gian gần đây. Với những tính năng vượt trội, Polkadot hứa hẹn sẽ là nền tảng kết nối nhiều mạng blockchain, mở ra kỷ nguyên tương tác chéo giữa các chuỗi khối trong thời gian tới. Vậy Polkadot là gì? Hãy cùng 24htienao tìm hiểu tổng quan về dự án này nhé!
>>>Đọc thêm: Tại sao Polkadot sẽ bùng nổ mạnh mẽ vào năm 2022
Polkadot là gì?
Polkadot là một giao thức được thiết kế cho phép các blockchain không liên quan có thể giao tiếp với nhau một cách an toàn, giá trị và dữ liệu có thể được luân chuyển giữa các blockchain mà không cần bất kỳ trung gian nào khác. Cấu trúc của Polkadot bao gồm hai blockchain: một mạng chính và một chuỗi chuyển tiếp, hay còn gọi là parachain. Parachain có thể được tùy chỉnh cho bất kỳ lần sử dụng nào và đưa vào chuỗi khối chính, để các giao dịch parachain được hưởng lợi từ cùng một sự bảo mật của chuỗi chính.
>>>Đọc thêm: Những điều bạn cần biết về đấu giá Parachain
Với thiết kế này, nhóm phát triển dự án Polkadot cho rằng các giao dịch có thể giữ được sự an toàn và chính xác bằng cách tận dụng tài nguyên máy tính của chuỗi chính. Tuy nhiên, người dùng vẫn được hưởng lợi từ việc tùy chỉnh nhiều parachain cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Thiết kế này cũng cho phép các giao dịch được thực hiện một cách riêng tư và hiệu quả hơn, tạo ra các chuỗi khối không tiết lộ dữ liệu người dùng dành cho mạng công cộng hoặc xử lý số lượng lớn các giao dịch.
Đồng DOT là token của mạng Polkadot, có hai chức năng chính bao gồm: token quản trị (cho phép chủ sở hữu có quyền góp ý trong tương lai của giao thức) và staking (cách mà mạng Polkadot xác minh giao dịch và phát hành token mới). Đồng DOT có thể được mua bán trên các sàn giao dịch tiền điện tử như Binance, Coinbase.
Lịch sử hình thành
Polkadot là “đứa con tinh thần” của tiến sĩ Gavin Wood, một trong những nhà đồng sáng lập Etherum và là người phát minh ra ngôn ngữ hợp đồng thông minh Solidity. Giữa năm 2016, tiến sĩ Wood bắt đầu phát triển ý tưởng của mình về một phiên bản blockchain Etherum phân mảnh. Tháng 10 năm 2016, bản thảo đầu tiên về whitepaper của Polkadot được phát hành.
Vào năm 2017, Web3 Foundation được thành lập, đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để thực hiện các hoạt động gọi vốn cũng như phát triển hệ thống của Polkadot. Tháng 10 năm 2017, Web3 đã tổ chức đợt bán đồng DOT đầu tiên và thu về 145 triệu USD trong chưa đầy 2 tuần.
>>>Đọc thêm: Polkadot công bố quỹ phát triển trị giá 774 triệu đô la cho DeFi
Tháng 5 năm 2018, Polkadot công bố khái niệm Proof of Concept (PoC) để thử nghiệm relay chain cơ sở, hỗ trợ relay chain cho parachain và grandpa. Tháng 9 năm 2019, Polkadot phát hành Kusama, một bản phát hành sớm nhưng chưa được kiểm duyệt của Polkadot, được thiết kế để phục vụ một mạng lưới giúp Polkadot kiểm tra khả năng quản trị, staking và shading trong điều kiện thực.
Nhóm phát triển Polkadot đã đưa ra kế hoạch khởi chạy mạng chính theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1 là chuỗi chính đầu tiên, ra mắt vào ngày 27 tháng 5 năm 2020, đánh dấu bước đầu trong quy trình triển khai nhiều giai đoạn được nêu ra trong roadmap của dự án. Đây là phiên bản hoạt động theo cơ chế đồng thuận Proof of Authority (PoA), được vận hành bởi 6 validator của Web3 Foundation.
Ngáy 18 tháng 6 năm 2020, dự án chuyển sang giai đoạn 2, bắt đầu sử dụng thuật toán đồng thuận Proof of Stake (PoS) cho mạng chính, cho phép chủ sở hữu đồng DOT yêu cầu các validator và phần thưởng nhận được khi staking. Giai đoạn 3 và 4 vào cuối tháng 7 năm 2020 đã giới thiệu chức năng quản trị mới cho Polkadot và chuyển giao quyền kiểm soát giao thức cho cộng đồng. Giai đoạn cuối cũng có kế hoạch mở khóa giao dịch đồng DOT vào ngày 18 tháng 8 năm 2020.
Cách thức hoạt động
Mạng Polkadot bao gồm 3 thành phần chính:
- Relay chain: Đây là chuỗi khối chính Polkadot, là nơi các giao dịch được hoàn tất. Relay chain tách việc xử lý giao dịch mới với hành động xác thực giao dịch, nhằm mục đích tăng tốc độ xử lý. Nhờ đó, mạng Polkadot có thể xử lý hơn 1.000 giao dịch mỗi giây, so với khoảng 7 giao dịch đối với Bitcoin và 30 giao dịch đối với Etherum. Khi có nhiều parachain được thêm vào, mạng Polkadot sẽ còn nhanh hơn nữa, với tốc độ có thể đạt 1 triệu giao dịch mỗi giây.
- Parachain: Parachain là các blockchain sử dụng chung tài nguyên tính toán với chuỗi chính để xác nhận giao dịch nhưng vẫn duy trì khả năng tùy chỉnh.
- Bridge: Bridge là cầu nối, cho phép mạng Polkadot tương tác với nhiều blockchain khác nhau. Hiện nhóm phát triển đang xây dựng cầu nối cho một số blockchain như EOS, Cosmos, Etherum và Bitcoin, cho phép hoán đổi các token mà không cần qua trung gian.
Mạng Polkadot sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake để bảo mật, xác minh giao dịch cũng như tạo và phân phối đồng DOT. Có một số cách mà chủ sở hữu đồng DOT có thể tương tác với hệ thống staking – tùy thuộc vào lượng thời gian, kỹ thuật và lượng coin mà họ muốn sử dụng.
- Validator (người xác thực): Để trở thành trình xác thực, bạn cần phải chạy 1 node (một nút trong mạng lưới) với ít hoặc không có thời gian chết và phải stake một lượng đáng kể đồng DOT. Đổi lại, bạn có quyền xác minh các giao dịch hợp pháp, tạo các khối giao dịch mới trong chuỗi khối và kiếm được phần thưởng là các đồng DOT mới được tạo ra. Nếu như có các hành động ác ý, phạm lỗi hoặc vi phạm về kỹ thuật, bạn sẽ mất một số hoặc toàn bộ số lượng đồng DOT đã stake.
- Norminator (người đề cử): Đây là một chức năng cho phép các nhà đầu tư tham gia staking một cách gián tiếp. Bạn có thể ủy quyền một số lượng đồng DOT của mình cho một validator mà bạn tin tưởng để hoạt động. Phần thưởng bạn nhận được là một phần đồng DOT kiếm được từ validator bạn đã chọn. Tuy nhiên, nếu validator bạn chọn vi phạm nguyên tắc, bạn cũng có thể mất số lượng đồng DOT mình đã stake.
- Collator: Các node chạy lưu trữ cho toàn bộ lịch sử của từng parachain và tổng hợp dữ liệu giao dịch parachain thành khối để bổ sung vào relay chain.
- Fisherman: Được ví như “cảnh sát” của mạng Polkadot, fisherman có nhiệm vụ kiểm tra hệ thống và cảnh báo các hành động bất thường cho validator.
Ưu và nhược điểm của dự án Polkadot
Ưu điểm
- Parity Technology phát triển khung module substrate, cho phép người sử dụng có thể linh hoạt trong việc lựa chọn các thành phần phù hợp nhất cho chuỗi ứng dụng cụ thể của họ.
- Nhà phát triển có thể khởi chạy blockchain riêng nhưng vẫn tận dụng được tính bảo mật của chuỗi chính mà không phải lo lắng đến việc không đủ thợ đào hoặc trình xác thực để duy trì hoạt động của chuỗi khối.
- Các parachain có thể sử dụng cầu nối để liên kết với các mạng bên ngoài như Bitcoin và Etherum.
Nhược điểm
- Một số lượng giới hạn các parachain có sẵn được bán thông qua các phiên đấu giá Polkadot Auction, điều này khiến cho các dự án nhỏ khó có thể cạnh tranh.
- Mạng Polkadot đã bị hacker tấn công hai lần, thiệt hại lên đến hàng triệu USD.
- Hiện có nhiều blockchain tương tự đang cảnh tranh khốc liệt với Polkadot như Rezos, Cosmos và Cardano. Cùng với Etherum, đây là những cái tên tạo nên hiệu ứng mạng cố định.
Token allocation
- Token symbol: DOT
- Blockchain: BSC/HECO
- Contract: 0x7083609fce4d1d8dc0c979aab8c869ea2c873402 (BSC) và 0xa2c49cee16a5e5bdefde931107dc1fae9f7773e3 (HECO)
- Total supply: 1.103.303.471
- Circulating supply: 987.579.314 (11/2021)
- Market Cap: 35.381.476.257 USD
- Market Rank: #9
- ATH (All Time High): 55,00$
- ATL (All Time Low): 2,69$
Nhận xét
Mạng Polkadot được thiết kế theo cấu trúc đa chuỗi đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến khả năng mở rộng và phí giao dịch cao mà không phải đánh đổi tính bảo mật hoặc phân quyền. Dự án cũng được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng tương tác giữa các chuỗi blockchain khác nhau, giúp cho hệ sinh thái tiền điện tử phát triển ngày một lớn mạnh hơn. Chúng ta hãy cùng chờ xem Polkadot và hệ sinh thái của Polkadot có phát triển bùng nổ trong thời gian tới hay không nhé! Và đừng quên theo dõi chuyên mục Kiến thức crypto để cập nhật thông tin mới nhất về các dự án!