Kể từ đầu năm 2022, các dự án DAO phát triển vô cùng mạnh mẽ, tạo ra bước tiến lớn cho cộng đồng trên toàn thế giới. Cùng tìm hiểu DAO là gì, cách thức hoạt động ra sao và những dự án DAO điển hình. Qua đó, bạn cũng có thể tham gia vào hệ thống, bỏ phiếu biểu quyết cho các giao thức hoặc nhận những khoản phí xứng đáng cho công sức phát triển.
Mục lục bài viết
DAO là gì?
DAO là từ viết tắt của Decentralized Autonomous Organization – tổ chức tự trị phi tập trung hay cộng đồng không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan trung ương nào.
Toàn bộ tổ chức được vận hành dựa trên các hợp đồng thông minh – thiết lập những quy tắc nền tảng, tự chủ và minh bạch thực hiện các thỏa thuận. Tại bất kỳ thời điểm nào, các đề xuất, biểu quyết và các đoạn mã đều có thể được kiểm toán công khai.
DAO được điều hành bởi chính những thành viên trong tổ chức – những người cùng đưa ra các quyết định quan trọng về tương lai của dự án, chẳng hạn như nâng cấp kỹ thuật hay phân bổ ngân quỹ.
Ngoài ra, các thành viên còn có thể đề xuất hoạt động tương lai của giao thức và bỏ phiếu cho từng đề xuất trước khi thực thi. Sau đó, các đề xuất nào đạt được mức độ đồng thuận cao sẽ được chấp nhận và triển khai theo những nguyên tắc đã thiết lập trong hợp đồng thông minh.
Nếu như trong các tổ chức lớn, sự phân cấp là cấu trúc thường gặp thì trong mô hình tổ chức này, cách thức cộng tác theo cộng đồng sẽ áp dụng. Mỗi thành viên riêng lẻ của DAO đều giám sát được giao thức ở một số cấp độ. Việc bỏ phiếu của mỗi thành viên đều được ghi nhận và hệ thống chỉ phê duyệt cho các đề xuất phục vụ giao thức tốt nhất.
Một giao thức mạnh mẽ sẽ thu hút nhiều người sử dụng. Bằng cách này, giá trị token mỗi thành viên DAO sở hữu sẽ tăng thêm. Giao thức thành công thì chắc chắn các token được nắm giữ cũng thành công.
DAO hoạt động như thế nào?
Nguyên tắc hoạt động của DAO do team nòng cốt của cộng đồng thiết lập thông qua smart contract. Những hợp đồng thông mình này đặt ra khuôn khổ nền tảng để DAO hoạt động. Bất kỳ thành viên tiềm năng nào của DAO cũng có thể tiếp cận, xác thực và kiểm chứng công khai các nguyên tắc này, để hiểu rõ về cách các giao thức hoạt động trong mỗi công đoạn.
Khi các nguyên tắc này được viết trên hệ thống chuỗi khối, bước tiếp theo là góp vốn và quản lý DAO hiệu quả nhất. Các giao thức sẽ phát hành và bán token để gây quỹ và đưa nguồn vốn vào tài sản của DAO.
Đổi lại, chủ sở hữu sẽ có quyền biểu quyết với quyền hạn tương đương số lượng nắm giữ token. Khi giai đoạn kêu gọi vốn hoàn tất, DAO sẽ sẵn sàng để triển khai.
Tại thời điểm này, mã code trong chuỗi khối sẽ không bị thay thế bằng bất kỳ hình thức hoặc phương tiện nào khác ngoài sự đồng thuận thông qua biểu quyết của thành viên. Đồng nghĩa, sẽ không có bất kỳ thẩm quyền đặc biệt nào có thể sửa đổi các nguyên tắc đã thiết lập của DAO. Mọi quyền hạn đều thuộc cộng đồng những người sở hữu token quyết định.
Cách thức tham gia DAO
Có nhiều cách để tham gia vào các dự án tiềm năng. Điều đầu tiên là xác định các chức năng cốt lỗi của DAO bởi vì không phải dự án nào cũng hoạt động theo cùng một cách thức.
Đối với những tổ chức tập trung vào quản trị kỹ thuật, quan trọng nhất là hiểu được quyền biểu quyết nào cấp cho chủ sở hữu token và loại đề xuất nào sẽ stake.
Trong một số trường hợp như Uniswap, chủ sở hữu token có thể biểu quyết về việc phân phối phí giữa các holder. Trong giao thức Compound, chủ token có thể biểu quyết về các khoản phí để sửa lỗi và nâng cấp hệ thống.
Cách tiếp cận này cho phép freelancer – những người làm việc tự do quan tâm đến dự án – có thể tham gia vào từng công đoạn và nhận khoản phí dựa trên khối lượng công việc thông qua các dự án do DAO tài trợ. Các dự án này thường xuyên được đăng tải trong máy chủ Discord của DAO.
Những tổ chức DAO khác không tập trung nhiều vào giao thức quản trị các vấn đề kỹ thuật thì sẽ chú trọng vào phân bổ ngân quỹ.
Như trường hợp của SharkDAO, tổ chức tồn tại chủ yếu để huy động quỹ từ những chủ sở hữu token cá nhân như một cách tập hợp những NFT quý hiếm, vô cùng đắt đỏ. Ví dụ như Nouns NFT – bộ sưu tập được chào bán với giá 250.000 đô la. Cách tiếp cận này mang lại cơ hội lớn cho các cá nhân nhằm tận dụng sức mạnh của nhóm tài sản tập thể.
Một trong những điểm mấu chốt ở đây là tính minh bạch trong DAO. Thông tin chi tiết các đề xuất luôn ở trạng thái sẵn có, lịch sử biểu quyết được ghi nhận liên tục và thậm chí có thể quan sát cụ thể hồ sơ biểu quyết của những người nắm giữ token.
>>> Xem thêm: ApeCoin DAO tiếp tục duy trì hệ sinh thái trên Ethereum <<<
DAO thường kêu gọi cộng đồng đóng góp những ý tưởng thú vị thông qua các dự án được tài trợ. Các cá nhân có đầu óc kinh doanh cũng có thể tự do gửi đề xuất để đóng góp cho sự phát triển của giao thức trong tương lai.
Có nhiều cấp độ tham gia vào DAO. Bạn có thể swap thành các token quản trị, đặc biệt chú ý đến hệ thống biểu quyết Snapshot. Hoặc bạn có thể vào Discord của DAO, tham gia các dự án thực tế và nhận được tiền cho công sức phát triển dự án. Hoặc bạn cũng có thể đầu tư vào DAO thông qua kết nối trong các hội nghị.
Những DAO điển hình
MakerDAO và DAI là hai dự án lĩnh vực tài chính phi tập trung Defi, nơi bạn bắt đầu sở hữu các stablecoin. Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia vào việc biểu quyết thay đổi các giao thức trong MakerDAO
RaidGuild: dự án DAO bắt nguồn từ hệ thống MetaCartel trong nền tảng Web3. Bạn có thể tham gia vào phát triển dự án với thế mạnh về lập trình, Marketing, thiết kế,…
>>> Xem thêm: Seelen DAO: Hệ sinh thái tự trị phi tập trung trên chuỗi công khai <<<
Proof Of Humanity: dự án chống lại tấn công nhận diện con người, thông qua Kleros (ứng dụng phi tập trung trên nền tảng Ethereum chuyên giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng) bằng cách phát hành UBI token (Universal Basic Income). Token này sẽ nhận diện con người trong chuỗi khối. Nếu bạn thích các dự án liên quan đến công bằng xã hội thì đây là nơi bắt đầu rất tốt.
DAOhaus: DAOhaus là nền tảng không sử dụng code để chạy DAO và được sở hữu, vận hành toàn bộ bởi cộng đồng. Nếu bạn quan tâm và muốn bắt đầu hệ thống DAO, thì đây là nơi rất đáng để thử nghiệm.
Opolis: dự án hỗ trợ các dịch vụ và lợi ích cho cá nhân làm việc tự do, những solopreneur, sole-practitioner, digital nomad (những người theo chủ nghĩa tự do du mục). Đây là nơi cho bạn thỏa sức đóng góp những sáng kiến để thúc đẩy môi trường lao động và việc làm bền vững, sáng tạo trong tương lai.
BanklessDAO: Nếu bạn có hứng thú với thế giới Web3 và muốn lan truyền, giáo dục cộng đồng thì đây là dự án dành cho bạn.
MolochDAO: hoạt động trong hệ sinh thái Ethereum, giúp cung cấp vốn cho các dự án trong hệ sinh thái.
Với sự đa dạng trong các dự án DAO, bạn có thể bắt đầu tham gia thông qua việc tìm hiểu các thông tin chính thức trong dự án. Tiếp theo, bạn hãy sử dụng MetaMask – nền tảng ví trong Web3 – và Snapshot để biểu quyết. Tất cả mọi đóng góp của bạn nói riêng và cộng đồng nói chung là nền tảng để phát triển các giao thức trong hệ thống, hướng tới sự bền vững cho hệ sinh thái.