Trong bài viết hôm nay, 24hTienao sẽ cùng bạn tìm hiểu về các chiêu trò scam tiền ảo phổ biến trên mạng xã hội. Trước tiên chúng ta phải biết được scam là gì? Hãy cùng 24hTienao trả lời cho câu hỏi này nhé.
Mục lục bài viết
Scam tiền ảo là gì?
Scam là một thuật ngữ trong tiếng Anh. Dịch đơn giản, đó là ‘lừa đảo’. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ một kế hoạch kiếm tiền bất hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Qua các biện pháp gian lận, lừa gạt để chiếm đoạt tài sản từ người khác.
Tiền ảo là loại tài sản có tính ẩn danh, phi tập trung và hiện chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng. Loại tiền này sẽ ít chịu sự bảo vệ theo quy định hơn so với các sản phẩm tài chính truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ. Bên cạnh đó, nó là một lĩnh vực còn khá mới đối với rất nhiều người. Chính vì thế, nó trở thành mảnh đất màu mỡ mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến.
Nhất là trong thời đại internet ngày nay, các mạng xã hội (MXH) phát triển phổ biến trở thành công cụ hữu ích cho những kẻ lừa đảo tiếp cận con mồi của chúng.
Các chiêu trò scam tiền ảo phổ biến trên mạng xã hội
1. Lừa đảo đầu tư
Thị trường crypto phát triển rất nhanh chóng trong thời gian gần đây khiến nhiều dự án ăn theo ra đời. Các dự án vẽ này đánh vào sự tham lam và thiếu hiểu biết của nhiều người. Chứ thực sự không tạo ra được lợi ích gì cho khách hàng của chúng.
Các dự án này thường chạy theo mô hình ponzi. Lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước để mở rộng cộng đồng. Đến một lúc nào đó không có người mới tham gia mạng lưới thì dự án sẽ tự nhiên sụp đổ.
Những kẻ lừa đảo lập ra các website, các ứng dụng đầu tư tài chính … và tạo ra 1 đồng tiền ảo. Rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia. Như gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng cáo, mời chào qua các MXH (Youtube, Facebook, Zalo…). Chúng tạo ra các nhóm Facebook, Zalo, Telegram để lôi kéo cộng đồng tham gia vào dự án.
Các đồng tiền lừa đảo mà không có cộng đồng lớn có thể thực hiện airdrop – cung cấp tiền ảo (hoặc mã thông báo) nội bộ miễn phí cho mọi người để đổi lấy việc tham gia cộng đồng. Để tăng sự tin tưởng, những dự án này còn thuê cả những người nổi tiếng để PR, quảng cáo…
Họ tô vẽ dự án rất hào nhoáng và cam kết lãi suất cao. Nhà đầu tư chỉ cần nghe theo lệnh của ‘chuyên gia’ là sẽ không bao giờ bị lỗ, nếu lỗ sẽ được bồi thường… Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được. Khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản. Chủ dự án ôm tiền chạy trốn, giá trị của đồng tiền ảo mà họ tạo ra về 0.
2. Lừa đảo tình cảm trực tuyến
Những kẻ lừa đảo tìm kiếm con mồi trên các ứng dụng hẹn hò như Bumble, Grindr, Tinder và Facebook Dating. Sau đó làm quen, tạo sự tin tưởng với các mục tiêu và cung cấp cho họ những cơ hội đầu tư ảo. Cơ hội đầu tư đó liên quan đến giao dịch tiền điện tử. Với lời đề nghị đầu tư tiền vào tiền điện tử để thu về lợi nhuận lớn.
Trong hầu hết các trường hợp, chúng yêu cầu nạn nhân mua tiền điện tử thông qua ứng dụng Binance. Và sau đó chúng sẽ chỉ cho nạn nhân gửi số tiền đó đến một ứng dụng giao dịch giả mạo.
Chúng có thể để cho nạn nhân rút một số lần lợi nhuận để làm mồi nhử. Đến khi thời cơ chín muồi, các nạn nhân muốn lấy lại tiền nhưng không rút ra được. Chúng có thể bắt nạn nhân đóng thêm các khoản phí để được rút tiền. Các khoản phí ngày càng tăng cho đến khi nạn nhân biết mình bị lừa đảo.
Trò lừa đảo ‘hoàng tử Nigeria’ cũng đã di cư vào thế giới tiền điện tử. Vì vậy, nếu bạn đã từng liên lạc với người khác ở nước ngoài. Những người chỉ quen biết qua mạng hứa hẹn sẽ gửi cho bạn một món quà lớn, hoặc chia sẻ cho bạn một khoản tiền lớn, hãy cẩn thận.
3. Lừa đảo mạo danh
Đây là một trong những chiêu trò scam tiền ảo phổ biến nhất trên mạng xã hội. Những kẻ lừa đảo thường tạo các tài khoản trên mạng xã hội. Mạo danh những người nổi tiếng, chuyên gia, các sàn giao dịch, các nhóm dự án hợp pháp trong thị trường tiền điện tử.
Các nhóm giả mạo tạo các cộng đồng thông qua nhóm Telegram hoặc Discord. Họ thông báo cung cấp phân bổ (allocations) cho các ICO sắp tới. Và để nhận các mã token ICO này bạn phải gửi tiền cho họ, thường là Ethereum. Khi đã gửi tiền cho họ, bạn sẽ không nhận lại được gì và cũng không thể đòi tiền lại.
Một cách khác là giả mạo admin trong các cộng đồng tiền ảo thực sự. Họ đưa ra kèo ảo và kêu thành viên góp tiền để nhận lợi nhuận cao.
Cũng có thể mạo danh là hỗ trợ kỹ thuật của một dự án hoặc một sàn giao dịch lớn. Để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã khóa riêng tư…
Hoặc mạo danh là những chuyên gia, nhóm dự án hay những người có ảnh hưởng trong thế giới tiền điện tử trên MXH Twitter. Đưa ra những thông tin giả nhằm thao túng thị trường tiền điện tử.
4. Lừa đảo tặng quà
Đây là một hình thức khác của lừa đảo mạo danh. Hãy lưu ý đến các nhóm và người dùng trên MXH Facebook, Telegram, Youtube và Twitter. Những kẻ lừa đảo có thể giả mạo danh tính của các nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng trong thị trường crypto như Vitalik Buterin hoặc Elon Musk… Hoặc giả mạo dự án tiền điện tử nhân một sự kiện gì đó để cung cấp quà tặng là 1 token có giá trị, như ETH hoặc BTC…
Với thông báo dạng: “gửi 1 ETH đến địa chỉ này và nhận lại số tiền X…” Thì đây chắc chắn là lừa đảo.
5. Lừa đảo Pump và Dump
Đối với trò lừa đảo này, các nhóm người mua lớn thường nhắm vào một altcoin có vốn hóa thị trường nhỏ, ít được biết đến hơn. Họ mua đồng tiền đó và tung tin giả để bơm giá đồng tiền. Những người mua mới bị thu hút và chịu ảnh hưởng của tâm lý FOMO. Đến khi đó, họ bán ra và kẻ chịu lỗ là những người mua mới.
Một vụ bơm và bán phá giá nổi tiếng gần đây là với đồng tiền mã hóa Litecoin. Vào thứ Hai, ngày 13/9, tài khoản Twitter Litecoin được xác nhận đã tweet một liên kết đến thông báo của GlobeNewswire về việc Walmart sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Litecoin. Giá của Litecoin ngay lập tức đã tăng vọt hơn 30% từ $175 đến hơn $240. Trước khi Walmart đưa ra một tuyên bố rằng tin tức này là sai sự thật.
6. Lừa đảo giao dịch
Giao dịch OTC (over the counter) hiểu đơn giản là giao dịch diễn ra trực tiếp giữa hai bên. Trong thị trường crypto, nó có thể là giao dịch từ tiền điện tử sang tiền điện tử (ví dụ như hoán đổi Bitcoin với Ether) . Hoặc từ tiền pháp định thành tiền điện tử (đổi đô la Mỹ lấy Bitcoin và ngược lại)…
Các giao dịch OTC qua các MXH được xem là những giao dịch riêng tư. Không cần thông qua những bước giao dịch thông thường. Và do đó không được hiển thị trong bất kỳ lệnh đặt mua công khai nào.
Một số ước tính cho thấy khối lượng tiền điện tử được giao dịch trên thị trường OTC lớn gấp hai ba lần so với các sàn thông thường. Nhưng đây cũng là một thị trường đầy rủi ro nếu không gặp được bên đối tác uy tín.
Những kẻ lừa đảo có thể đề nghị bán hoặc mua tài sản trực tiếp từ bạn. Yêu cầu bạn gửi tiền trước và sau đó chúng biến mất với tiền của bạn.
Vậy làm thế nào để phòng tránh các chiêu trò scam tiền ảo phổ biến trên mạng xã hội này?
Cách phòng tránh scam
Hãy nghiên cứu thật kỹ lưỡng một dự án trước khi bỏ tiền đầu tư. Sau cùng, chỉ có bạn là người chịu trách nhiệm với tiền bạc và khoản đầu tư của mình. Cảnh giác với những hình thức kiếm tiền quá dễ dàng. Và những lời hứa đảm bảo lợi nhuận khổng lồ cho khoản đầu tư của bạn.
Đừng vội vàng hoặc bị áp lực khi phải đưa ra quyết định. Những kẻ lừa đảo thường cố gắng tạo ra cảm giác khẩn cấp giả tạo, gây áp lực buộc bạn phải đầu tư. Chúng có thể lợi dụng hiệu ứng đám đông, hoặc cung cấp tiền thưởng, chiết khấu để thuyết phục bạn đầu tư ngay lập tức.
Hãy thận trọng với các mối quan hệ trực tuyến. Nhất là những lời đề nghị liên quan đến tiền bạc và một lợi nhuận có vẻ “bất khả thi”.
Chỉ giao dịch trên những nền tảng uy tín. Có website, số hotline, thông tin giới thiệu, thông tin liên hệ và địa chỉ minh bạch, rõ ràng. Bạn có thể lên google để tìm hiểu thông tin và đánh giá về các nền tảng đó.
Không bao giờ để lộ mật khẩu tài khoản, khóa cá nhân hay cụm từ bảo mật của ví tiền điện tử cho bất kỳ ai.
Tránh tâm lý FOMO khi đầu tư vào tiền điện tử. Tìm hiểu thật kỹ về đồng tiền bạn muốn đầu tư.
Khi giao dịch OTC qua MXH, bạn cần tìm “quầy” uy tín, có lượt giao dịch nhiều, đánh giá tốt.
Bài viết trên đã giới thiệu về các chiêu trò scam tiền ảo phổ biến trên mạng xã hội và cách phòng tránh scam. Đây mới chỉ là một số loại hình lừa đảo thông thường. Và vẫn còn muôn vàn các loại hình thức lừa đảo tinh vi khác trong thị trường tiền điện tử. Để phòng tránh chúng, bạn hãy dành thời gian trang bị cho mình kiến thức về thị trường. Quyết định chậm lại, suy xét kỹ càng và luôn có ý thức bảo mật thông tin cá nhân của bạn.