Trong vài năm qua, chúng ta đã thấy sự phát triển bùng nổ của tiền điện tử. Gần đây nhất, Bitcoin (BTC) đã tăng trưởng trở lại và chạm mốc 57.000 USD, thổi làn gió hồi sinh vào thị trường tiền điện tử vốn đã giảm sâu trước đó. Các nhà đầu tư bắt đầu bơm tiền vào thị trường thông qua các sàn giao dịch truyền thống. Tuy nhiên, có một hình thức cũng đang sôi nổi không kém. Đó chính là DeFi. Vậy DeFi là gì? Và tiền điện tử có ứng dụng gì trong DeFi? Hãy cũng 24htienao trả lời câu hỏi đó.
Mục lục bài viết
DeFi là gì?
DeFi (Decentralized Finance) là một hệ thống các sản phẩm tài chính được phát triển trên một blockchain phi tập trung. Nếu như với các sản phẩm tài chính truyền thống như ngân hàng, người dùng sẽ sở hữu một mã định danh do tổ chức có thẩm quyền cấp mới có thể sử dụng dịch vụ. Thì DeFi hoàn toàn ngược lại, người mua, người bán, người cho vay hay người vay đều có thể tương tác ngang hàng mà không phải qua một trung gian thứ ba. Những tương tác này dựa trên một phần mềm nhất định, vì thế sẽ chặt chẽ hơn khi so với một công ty hoặc tổ chức hỗ trợ giao dịch. Hầu hết các ứng dụng DeFi hiện tại đều chạy trên Etherum – ERC20.
DeFi vs các sản phẩm tài chính truyền thống
Ưu điểm lớn nhất của DeFi chính là khả năng giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong hệ thống tài chính truyền thống:
- Một số cá nhân không được cấp quyền để thiết lập tài khoản hoặc sử dụng các dịch vụ tài chính.
- Thiếu khả năng tiếp cận đến các dịch vụ tài chính.
- Các dịch vụ tài chính có khả năng khóa chức năng thanh toán của bạn.
- Rủi ro thất thoát thông tin cá nhân.
- Chính phú hoặc các tổ chức tập trung có thể đóng cửa dịch vụ nếu muốn.
- Giao dịch thường được thực hiện trong khoảng giờ giấc cụ thể.
- Việc chuyển tiền có thể mất nhiều thời gian do thao tác xử lý thủ công.
Bảng so sánh giữa DeFi và tài chính truyền thống
DeFi |
Tài chính truyền thống |
Bạn trực tiếp giữ tiền của mình. | Các công ty giữ tiền của bạn. |
Bạn quản lý trực tiếp tiền của mình. | Bạn phải tin tưởng vào các công ty. |
Việc chuyển tiền chỉ mất vài phút. | Chuyển tiền có thể mất vài ngày do quy trình xử lý thủ công. |
Hoạt động giao dịch ẩn danh. | Hoạt động tài chính công khai danh tính. |
DeFi mở cửa cho bất kỳ ai. | Bạn phải đăng ký sử dụng dịch vụ. |
Xây dựng trên tính minh bạch – ai cũng có thể xem thông tin sản phẩm và giám sát hệ thống. | Các tổ chức tài chính không công khai thông tin. |
Dù có nhiều ưu điểm vượt trội so với tài chính truyền thống, DeFi vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định:
- Rủi ro về công nghệ: DeFi được vận hành trên một hệ thống các hợp đồng thông minh và mã lệnh trên blockchain. Vì thế, nếu có vấn đề gì đó xảy ra với tập lệnh của nhà phát triển, các ứng dụng có thể xảy ra vấn đề. Đó cũng chính là điểm yếu trong giao thức của DeFi.
- Rủi ro về tài sản: Khi vay tiền trên ứng dụng, bạn phải cung cấp các tiền điện tử khác như một loại tài sản thế chấp. Vì tiền điện tử có giá biến động thường xuyên, nên khi thị trường downtrend, những tài sản thế chấp có khả năng giảm giá trị đáng kể, có rủi ro bị thanh lý.
- Rủi ro về sản phầm tài chính: Dù là khoản vay đã được thế chấp bằng một số tiền điện tử nhất định, nhưng người vay sử dụng giao thức DeFi vẫn không phải chịu trách nhiệm nếu như không trả lãi cho khoản vay một cách hiệu quả. Đây chính là lý do mà các chuyên gia tài chính thường khuyên rằng chỉ nên đầu tư số tiền bạn có thể bỏ ra và hãy tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư.
Cách DeFi hoạt động và vai trò của tiền điện tử
Hệ thống DeFi đạt được sự đồng thuận phân tán bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh trên các blockchain như Etherum. Các nhà phát triển viết hợp đồng thông minh để thực hiện các hành động cụ thể khi đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Khi một hợp đồng thông minh được phát triển trên blockchain, mọi người đều có thể truy cập và giám sát, nhưng không ai có quyền thay đổi nó. Các hợp đồng thông minh này thường chi phối các ứng dụng phi tập trung, không thuộc sở hữu hay quản lý của bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào.
Một số ứng dụng DeFi phổ biến có thể kể đến:
- Stablecoin: Là tiền điện tử có giá trị ổn định, stablecoin có giá trị ít biến động so với các tiền điện tử khác trên thị trường và thường được dùng để thực hiện các giao dịch thông thường. Hiện nay có nhiều stablecoin thông dụng như: USDT, BUSD, DAI,.. với giá trị những đồng này gần như tương đương với 1 USD.
- Trao đổi phi tập trung: Mặc dù bản chất là phi tập trung, nhưng một số sàn giao dịch tiền điện tử như Coinbase lại hoạt động như một sàn tập trung để kết nối người mua và người bán. Sử dụng sàn phi tập trung cho phép người dùng toàn quyền nắm giữ tiền điện tử của họ thay vì gửi chúng vào ví do một sàn tập trung quản lý, dễ trở thành mục tiêu của các hacker.
- Vay và cho vay: Đây có lẽ là chức năng truyền thống nhất của DeFi. Những người sở hữu một lượng tiền điện tử đáng kể nhưng muốn thanh khoản bằng một loại tiền điện tử khác thì có thể vay tiền bằng cách sử dụng tiền điện tử như một loại tài sản thế chấp. Các Dapp được thiết kế để tạo điều kiện cho việc vay và cho vay phi tập trung. Dapp cũng có thể tự động điều chỉnh lãi suất dựa trên sự thay đổi cung và cầu của tiền điện tử.
- Và một số ứng dụng khác như bảo hiểm, gửi tiết kiệm, quản lý tài chính,…
Token DeFi là gì?
Token của DeFi là nền tảng của hệ sinh thái phi tập trung. Chúng được sử dụng chủ yếu trong các ứng dụng phi tập trung chạy trên hợp đồng thông minh để tạo điều kiện thực hiện các giao dịch. Bạn có thể xem token DeFi là một dạng tiền tệ duy nhất sử dụng cho chính nền tảng phi tập trung đó.
Giá của token phụ thuộc vào thiết kế của hợp đồng thông minh. Nếu nó được thiết kế như một stablecoin thì giá cả sẽ không biến động nhiều. Ngược lại, nếu token được thiết kế để mang lại giá trị tài chính hoặc kinh tế, người dùng có thể nhận được chiết khấu giao dịch hoặc lãi suất ưu đãi khi thực hiện giao dịch trên những token này.
Vì sao nên sử dụng DeFi?
Ngoài việc có khả năng giải quyết các hạn chế của tài chính truyền thống như đã trình bày ở trên, DeFi có thể mang lại cho người dùng một số lợi ích chính như sau:
- Khả năng truy cập: Một số cá nhân có thể không mở được tài khoản ngân hàng hoặc không được hỗ trợ một khoản vay từ các tổ chức tài chính truyền thống, nhưng bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể truy cập vào các nền tảng DeFi. Các giao dịch có thể diễn ra toàn cầu mà không có trở ngại về địa lý.
- Tính minh bạch và bảo mật: Các hợp đồng thông minh và lịch sử giao dịch đều được công bố trên blockchain mà bất kỳ ai cũng có thể xem. Các thông tin này là không thể thay đổi.
- Quyền tự chủ: Các nền tảng DeFi không được quản lý bởi bất kỳ tổ chức tài chính tập trung nào. Đối với tài chính truyền thống, các tổ chức này thường nắm giữ tiền của bạn với rủi ro sử dụng quá mức hoặc phá sản. Chẳng hạn như sự sụp đổ tài chính năm 2008 đã cho thấy điểm yếu của hệ thống tài chính tập trung.
Kết luận
Mặc dù 24hTienao không thể đưa ra lời khuyên là có đầu tư vào DeFi hay không, nhưng có thể nói rằng DeFi thật sự có triển vọng trong tương lai. Đây là một thị trường còn tương đối mới, với nhiều rủi ro luôn rình rập nhưng rủi ro cũng chính là cơ hội. Quyết định đầu tư hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nhưng chúng tôi tin rằng, những thông tin bổ ích từ các bài viết trong chuyên mục Nghiên cứu chuyên sâu sẽ phần nào giúp bạn thành công trong con đường đầu tư của mình.