FOMO là một thuật ngữ hay được nhắc đến trong thế giới tiền điện tử theo chiều hướng tiêu cực mỗi khi có một đồng coin nào tăng giá đáng kể trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ được bản chất của FOMO, đặc biệt là những nhà đầu tư mới. Vậy FOMO là gì? Làm thế nào để tránh FOMO? 24htienao sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này!
Mục lục bài viết
FOMO là gì?
FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear Of Missing Out”, là một thuật ngữ được sử dụng để thể hiện sự lo lắng rằng bạn có thể đang bỏ lỡ một cơ hội đầu tư hoặc giao dịch có tiềm năng sinh lợi. Các nhà đầu tư tiền điện tử có thể cảm thấy FOMO khi có đợt tăng giá của một token bất kỳ nhưng họ vẫn chưa mua nó, đặc biệt là những đợt tăng giá này thường diễn ra trong thời gian tương đối ngắn.
Thông thường, hiện tượng FOMO xảy ra đối với một loại tiền điện tử mới tham gia thị trường. Giá đồng coin tăng do nhu cầu mua vào để dự trữ tăng, gây ra một sự hoảng loạn, phấn kích hoặc tưởng tượng quá độ ở một số nhà đầu tư, khiến họ chạy đua mua vào chính đồng coin đó hoặc bất kỳ đồng coin nào đang có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, FOMO vẫn có một vai trò nào đó trong chu kỳ biến động giá. Nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận nếu nắm bắt được quy luật của hiện tượng này.
Ưu và nhược điểm của FOMO
Mọi việc đều có hai mặt tốt và xấu, FOMO cũng không ngoại lệ, nó cũng có những điểm tích cực riêng bên cạnh mặt tiêu cực mà đa số chúng ta thường nhắc đến.
Ưu điểm
FOMO có thể là cơ hội tốt nếu như nhà đầu nắm bắt được xu hướng của thị trường:
- Cơ hội mua hoặc bán rất thuận lợi với xu hướng tăng giá mạnh trong thời gian ngắn.
- FOMO là một phương tiện để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư về một đồng coin mới.
- FOMO có thể là một tín hiệu để đánh giá thị trường.
Nhược điểm
- Do lo sợ có thể bỏ lỡ cơ hội, nhà đầu tư mua tiền ảo mà không có bất cứ lý do thuyết phục nào, dẫn đến tình trạng “đu đỉnh” hoặc “mua đỉnh bán đáy”.
- Nếu lựa chọn thời điểm giao dịch không tốt, nhà đầu tư có thể thua lỗ, thậm chí mất toàn bộ tài sản. Vì khi bong bóng vỡ, đồng coin có thể bị xả vô tội vạ.
Làm thế nào để tránh FOMO
Tiền điện tử là một thị trường có mức độ biến động lớn và dễ bị thao túng. Một trong những cách thao túng đó chính là bơm tiền vào để tạo nhu cầu giả, nhằm đẩy giá trị đồng tiền lên cao và sau đó là bán phá giá. Khi đó, những nhà đầu tư mua bán không hợp lý có thể bị thua lỗ. Bằng những kinh nghiệm cá nhân, 24htienao sẽ giới thiệu cho bạn đọc một số cách để tránh FOMO.
1.Cẩn trọng với những “thông tin bật mí”
Các trang web đầu tư, “chuyên gia phân tích”, tin tức trên các phương tiện truyền thông đều có thể “bật mí” thông tin mới nhất từ dự án, hé lộ những “sự kiện” sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới. Đó là một trong những cách để tạo FOMO cho những nhà đầu tư thiếu hiểu biết và không biết quản lý rủi ro. Điều bạn cần làm là xác minh những thông tin trên bằng cách dành thời gian nghiên cứu để xác định xem khoản đầu tư của mình có hợp lý và phù hợp với mục tiêu tài chính mình đã đặt ra hay không!
2.Lập kế hoạch tài chính cụ thể
Bạn phải có mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn, bao gồm mục tiêu tài chính bạn muốn đạt được, thời gian thực hiện và mức độ chấp nhận rủi ro. Chỉ khi có những kế hoạch cụ thể để tuân theo, bạn mới có thể vượt qua được “cảm xúc”. Bạn có thể lập kế hoạch tài chính cho mình dựa trên những nguyên tắc cơ bản, tìm hiểu thêm tại “Nguyên tắc đầu tư tiền ảo cho người mới bắt đầu”.
3.Xây dựng tầm nhìn dài hạn
Đối với hầu hết nhà đầu tư, để đạt được mục tiêu thu được lợi nhuận là một con đường dài phía trước. Lợi nhuận thường tỉ lệ thuận với thời gian, hiếm khi bạn lời to chỉ trong một sớm một chiều. Hãy nhìn vào thị trường tài chính truyền thống, nơi mà lãi suất ngân hàng hiếm khi nào cao quá 7%/năm, nghĩa là khi gửi 1000$ trong một năm bạn sẽ thu được tiền lãi là 70$. Lãi suất khi staking tiền điện tử có thể cao hơn, APR hàng năm có thể đạt vài chục đến vài trăm phần trăm tùy thuộc vào TVL (Total Value Locked) và mức độ uy tín của dự án. Nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là mất nhiều thời gian, từ vài tháng cho đến vài năm.
Để chống lại sự cám dỗ trước những tin tức “quá tốt” hoặc “quá xấu” khiến cho thị trường biến động mạnh trong thời gian ngắn, bạn cần kiên nhẫn, luyện tập tính tập trung, luôn luôn bám theo tầm nhìn dài hạn mà mình đã đề ra, tránh đưa ra những quyết định đầu tư FOMO khi chưa đánh giá về dự án.
Kết luận
FOMO có thể khiến các nhà đầu tư cá nhân đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc hơn và logic hoặc số liệu phân tích. Điều này dẫn đến các bong bóng tài chính ngày càng được thổi phồng, rủi ro khi bong bóng vỡ sẽ gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, để vượt qua cảm giác FOMO không phải là một chuyện dễ dàng. Bản thân nhà đầu tư phải tự thiết lập một số quy tắc giao dịch dựa trên những nguyên tắc mà bạn có thể tham khảo thêm tại chuyên mục Nghiên cứu chuyên sâu các bạn nhé!