Mặc dù những ý tưởng của GameFi đã được áp dụng từ trước, nhưng phải đến khi Axie Infinity trở thành dự án tỷ USD xét về vốn hóa thì GameFi mới được nhiều người chú ý đến. Kể từ sự kiện đó, GameFi đã gặt hái được những thành công nhất định và dần trở thành trào lưu trong thị trường tiền điện tử. Vậy GameFi là gì? Và nó có tiềm năng như thế nào? Hãy cùng 24htienao phân tích chủ đề này nhé!
Mục lục bài viết
GameFi là gì?
GameFi là sự kết hợp giữa “Game” và “Finance”, nghĩa là trò chơi điện tử có tích hợp yếu tố tài chính, mà trong đó người chơi có thể kiếm được lợi nhuận không qua việc chơi game. Định nghĩa này cũng tương tự như DeFi, nghĩa là tài chính phi tập trung.
>>>Đọc thêm: Tất tật về DeFi và những đồng coin DeFi tiềm năng
Các dự án GameFi thường được xây dựng trên một nền tảng blockchain phân tán nào đó, cho phép người chơi có quyền sở hữu đối với các vật phẩm ảo trong game. Ví dụ như một số trò chơi có những hệ thống nhiệm vụ, khi hoàn thành thì người chơi có thể nhận được những đồng coin nhất định. Hoặc một số mô hình khác có thể trả thưởng bằng vật phẩm trong game (dưới dạng NFT), và người chơi có thể trao đổi vật phẩm trên marketplace để kiếm tiền.
Quan trọng hơn hết, GameFi không phải là một hình thức cờ bạc. Người chơi cần kết hợp giữa chiến thuật và kỹ năng để có thể tạo ra lợi nhuận, trong khi cờ bạc đa phần phụ thuộc vào sự may mắn. Mặc dù may mắn cũng có thể là một phần trong GameFi, nhưng nó không phải yếu tố chính để xác định ai là người chiến thắng.
Lịch sử hình thành và phát triển
Tiềm năng của GameFi đã được trình bày đầu tiền tại Hội nghị Blockchain thế giới tổ chức ở Trung quốc vào tháng 11/2019. Trong đó, nhưng người sáng lập MixMarvel đã nhấn mạnh khả năng ứng dụng của blockchain vào ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Tuy nhiên, thuật ngữ “GameFi” chỉ được nhắc đến lần đầu vào năm 2020, trong một bài tweet của Andre Cronje, người sáng lập Yearn.finance. Kể từ đó, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi để chỉ các trò chơi điện tử có kết hợp với các yếu tố tài chính phi tập trung được hỗ trợ bởi blockchain. Nhờ sự kết hợp độc đáo này, GameFi đã biến trò chơi điện tử trở thành không gian vô cùng hấp dẫn.
Quay ngược lại lịch sử, vào năm 2013, Minecraft mới chính là tựa game đầu tiên có tích hợp và ứng dụng các dịch vụ ngang hàng cho phép game thủ kiếm tiền từ các tựa game truyền thống. Sau đó, các dự án như Huntercoin đã sử dụng công nghệ blockchain không chỉ để thanh toán mà còn cho phép người chơi kiếm tiền bằng cách khai thác đồng coin của dự án.
Các GameFi đời đầu sử dụng blockchain của Bitcoin, tuy nhiên chi phí giao dịch cao cùng tốc độ giao dịch thấp trở thành rào cảng để phát triển. Dần dần những dự án GameFi khác chuyển sang sử dụng các blockchain khác có hỗ trợ hợp đồng thông minh như Etherum. Cho đến nay, Etherum vẫn là blockchain phổ biến của các tựa GameFi, tuy nhiên nó cũng có một số hạn chế nhất định, liên quan đến hiệu suất do không gian khối. Nổi bật là sự kiện CryptoKitties làm nghẽn mạng Etherum vào cuối năm 2017, khiến phí giao dịch tăng vọt.
>>>Đọc thêm: Lý giải cơn sốt Metaverse
Và dĩ nhiên, phí giao dịch cao là một nhược điểm rất lớn, khó để thu hút người dùng. Để giải quyết vấn đề đó, một số nhà phát triển đã chuyển hướng sang những blockchain có dung lượng lớn hơn như Solana, Polkadot, Polygon, Wax và BSC. Các mạng trên cũng có hỗ trợ ứng dụng NFT để xác định quyền sở hữu cho các tài sản ảo của trò chơi điện tử. Giờ đây, NFT ngày càng nhận được sự quan tâm hơn từ những nhà phát triển. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy, thị trường GameFi đang phát triển rất nhanh và đang dần trở thành một trào lưu trong thế giới tiền điện tử.
Cách thức hoạt động
Play to earn
Các trò chơi trực tuyến truyền thống kiếm tiền thông qua giao dịch vật phẩm trong kho ứng dụng, tiếp thị hoặc quảng cáo. Với tư cách là người chơi, bạn phải bỏ tiền ra để mua các vật phẩm nhằm tăng tỉ lệ chiến thắng hoặc có lợi thế hơn so với những người chơi khác. Các khoản chi đó sẽ trực tiếp tạo ra doanh thu cho nhà phát hành trò chơi.
Nếu bạn là fan của những trò chơi điện tử trực tuyến như Minecraft hoặc PUBG, chắc hẳn bạn sẽ quen thuộc với những đồng xu trong game. Tuy nhiên, ngoài mang tính chất giải trí, những đồng xu này không có giá trị gì ngoài môi trường trò chơi.
Nhưng đối với GameFi thì lại khác, game thủ sẽ nhận được những phần thưởng có giá trị nhất định khi hoàn thành các nhiệm vụ trong game. Các khoản tiền này được bắt nguồn từ các token dự trữ trong một hợp đồng thông minh. Lấy ví dụ một trò chơi đang làm mưa làm gió trên thị trường, Axie Infinity. Người chơi sẽ nhận được phần thưởng cho các nhiệm vụ sau: chiến thắng trong các trận đấu, chăm sóc lô đất của mình, giao dịch Axie Infinity và nhân giống Axie. Và đồng AXS có thể được giao dịch trên các sàn lớn như Binance, FTX, Coinbase,…
Quyền sở hữu tài sản
Đối với các trò chơi điện tử truyền thống, nhà phát hành có toàn quyền kiểm soát sự hoạt động của trò chơi. Nếu nhà phát hành bị phá sản, bất cứ lúc nào game thủ cũng có thể mất toàn bộ thành quả cày cuốc. Hơn nữa, các trò chơi điện tử truyền thống cũng rất dễ bị hack, hậu quả là game thủ phải nói lời tạm biệt với tất cả tài sản trong game của mình.
Ngược lại, người chơi GameFi sẽ có quyền sở hữu những vật phẩm trong game dưới dạng NFT, được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống blockchain. Những vật phẩm này xác nhận quyền sở hữu cho game thủ như một phần thưởng hoàn thành nhiệm vụ play-to-earn.
Người chơi có thể tạo ra lợi nhuận bằng cách bán những NFT này trên thị trường. Cryptovoxels, The Sandbox hay Decentraland là những ví dụ điển hình. Người chơi có quyền sở hữu những mảnh đất trong thế giới ảo và giao dịch tự do những mảnh đất này trên thị trường thứ cấp.
Các tính năng DeFi
Các tính năng của DeFi cũng được áp dụng do GameFi thường được xây dựng hệ thống trên một blockchain phi tập trung. Những ý tưởng như đặt cược, khai thác hay canh tác được áp dụng vào GameFi để người chơi có thể tạo ra thu nhập thụ động. Người chơi có thể đặt cược hay thế chấp tài sản của mình để nhận tiền lãi, mở khóa các cấp độ mới hoặc mua thêm các vật phẩm trong trò chơi. Đồng thời, họ cũng có thể vay tiền bằng cách thế chấp tài sản điện tử.
Tiềm năng của GameFi
Trong khi các trò chơi blockchain trước đây phải vật lộn để tìm kiếm người chơi thì GameFi hiện nay lại đang phát triển một cách bùng nổ. Điển hình là sự thành công vang dội của tựa game Axie Infinity, đang được truyền thông đưa tin nhiều trong thời gian gần đây. Axie Infinity đã trở thành dự án GameFi đầu tiên đạt doanh số bán token vượt 1 tỷ USD vào tháng 8 năm 2021, với hơn 1 triệu người chơi hoạt động hàng ngày.
Với những lợi ích vượt trội so với trò chơi điện tử trực tuyến truyền thống, công nghệ blockchain trao quyền kiểm soát cho người chơi, và nó có ảnh hưởng đến GameFi theo một hướng tích cực – cả về mặt tài chính cũng như sự phát triển của một tựa game.
Sự thành công của Axie Infinity là tiền đề cho sự phát triển hàng loạt các GameFi trên nhiều giao thức blockchain khác nhau. Tuy nhiên, tương lai của GameFi sẽ như thế nào cũng rất khó đoán. Dù vậy, với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ blockchain như hiện nay, những đột phá trong thời gian tới chắc chắn sẽ được áp dụng vào GameFi, mang lại những cách kiếm tiền và trải nghiệm mới mẻ nhất cho cộng đồng game thủ.
Kết luận
Theo nhận định của các chuyên gia, trò chơi điện tử là một cách hữu hiệu để áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain, mà GameFi chính là công cụ để hiện thực hóa điều đó. Chúng ta hãy cùng chờ xem với những ưu thế đáng kể dựa trên công nghệ blockchain, GameFi có thể chiếm lĩnh thị trường trò chơi điện tử trị giá 175 tỷ USD này hay không nhé! Và đừng quên theo dõi chuyên mục Nghiên cứu chuyên sâu để cập nhật cho mình những kiến thức bổ ích!