Biểu đồ nến là biểu đồ chứa nhiều thông tin về xu hướng thị trường nhất so với các dạng biểu đồ thông thường. Tuy nhiên, việc đọc biểu đồ nến cũng không hề đơn giản. Nhưng bạn đừng quá lo lắng! 24htienao sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc biểu đồ nến ngay sau đây!
Mục lục bài viết
Biểu đồ nến là gì?
Biểu đồ nến là dạng biểu đồ được tạo thành từ những thanh nến, mỗi thanh đại diện cho một khoảng thời gian giao dịch, có thể là 1 phút, 5 phút, 10 phút, 1 giờ, 1 ngày hoặc thậm chí dài hơn. Biểu đồ nến thường được các nhà giao dịch sử dụng để thể hiện xu hướng của tài sản do chúng chứa nhiều thông tin hơn so với một biểu đồ đường đơn giản.
Biểu đồ nến có nguồn gốc từ Nhật Bản và được sử dụng hơn 100 năm trước khi phương Tây phát triển các dạng biểu đồ thanh và điểm. Vào những năm 1700, một người đàn ông người Nhật tên là Homma đã phát hiện ra rằng mặc dù giá cả và cung cầu có mối liên hệ, nhưng thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi cảm xúc của nhà giao dịch. Cảm xúc đó được thể hiển trực quan qua kích thước, hình dạng và màu sắc của thanh nến. Các nhà giao dịch cũng dựa vào đó để đưa ra quyết định dựa trên các mô hình dự báo xu hướng ngắn hạn. Hầu hết các sàn giao dịch lớn như Binance, KuCoin,… đều có hỗ trợ biểu đồ nến.
Thành phần của một thanh nến
Body (thân nến): Phần thân cung cấp thông tin về phạm vi đóng mở. Hay nói cách khác, nó chỉ ra sự khác biệt giữa giá khởi đầu và giá kết thúc.
Wicks (bấc nến): Bấc nến còn có tên khác là đuôi nến, cung cấp thông tin về giá cao nhất và thấp nhất trong thời gian hình thành nến. Nếu thanh nến không có bấc, nghĩa là giá khởi đầu và giá kết thúc là giá cao nhất và thấp nhất.
Highest price (giá cao nhất): Giá cao nhất được giao dịch trong khoảng thời gian, được biểu thị bằng phần đỉnh của bấc nến trên.
Lowest price (giá thấp nhất): Giá thấp nhất được giao dịch trong khoảng thời gian, được biểu thị bằng phần đáy của bấc nến dưới.
Opening price (giá khởi điểm): Đây là giá đầu tiên mà giao dịch diễn ra trong thời gian hình thành nến mới.
Closing price (giá kết thúc): Đây là giá cuối cùng được giao dịch trước khi đóng nến. Nếu giá này cao hơn giá khởi điểm, nến sẽ có màu xanh lá cây. Nếu giá này thấp hơn giá khởi điểm, nến sẽ có màu đỏ.
Các mô hình giao dịch phổ biển
Mặc dù có nhiều cách sử dụng và đọc biểu đồ nến, nhưng nhận dạng mô hình là phương pháp thường được sử dụng nhất để dự đoán xu hướng giá và động lượng tổng thể, bao gồm mô hình nến tăng giá và giảm giá.
Mô hình nến tăng giá
The Hammer
Hình thức: Thanh nến được tạo thành bởi một bấc nến dài phía dưới cùng, tạo thành hình chiếc búa rất dễ để nhận biết. Nến dạng này có thể màu đỏ hoặc xanh lá cây.
Ý nghĩa: Nến búa cho thấy một xu hướng đảo chiều mạnh mẽ và một đợt tăng giá tiềm năng. Mô hình này biểu thị một áp lực bán cao, tuy nhiên trong thời gian đó, áp lực mua đã chiếm lại quyền kiểm soát hành động giá.
The Inverted Hammer
Hình thức: Sự khác biệt trực quan duy nhất giữa Inverted Hammer và Hammer là bấc nến dài phía trên thân nến chứ không phải phía dưới. Do đó, thanh nến có hình dạng như một chiếc búa ngược, có thể có màu đỏ hoặc xanh lá cây.
Ý nghĩa: Inverted Hammer chỉ ra khả năng kết thúc xu hướng giảm và bắt đầu xu hướng tăng, người mua có thể sớm giành được quyền kiểm soát hành động giá.
The Bullish Engulfing
Hình thức: Mô hình này được tạo thành từ hai thanh nến, xuất hiện ở đáy của một xu hướng giảm. Đầu tiên là thanh nến đỏ giảm giá, sau đó là thanh nến màu xanh lá cây. Nói cách khác, thân nến thứ hai hơn lớn thân nến thứ nhất. Ở thị trường truyền thống, sẽ có một khoảng cách nhất định giữa giá khởi điểm và giá kết thúc, nhưng điều này hiếm khi xuất hiện trong biểu đồ nến dạng này ở thị trường tiền điện tử.
Ý nghĩa: Mô hình này cho thấy áp lực mua đang tăng và bắt đầu xu hướng tăng giá do người mua có khả năng đẩy giá lên cao.
The Piercing Line
Hình thức: The Piercing Line là một mô hình được tạo thành từ một thanh nến đỏ giảm dài, theo sau đó là một thanh nến tăng dài màu xanh lá cây. Có một khoảng giảm giữa giá khởi điểm và giá kết thúc, với thân nến thứ hai cao hơn một nửa so với thân nến giảm giá.
Ý nghĩa: Khởi đầu của mô hình này có vẻ như xu hướng đang giảm. Tuy nhiên, áp lực mua gia tăng trong suốt thời gian hình thành nến cho thấy phe bò đang quan tâm đến việc mua ở vùng giá hiện tại.
The Morning Star
Hình thức: The Morning Star là mô hình được tạo thành từ ba thanh nến khác nhau trong một xu hướng giảm. Đầu tiên là một thanh nến giảm dài. Tiếp theo là một thanh nến có thân ngắn và bấc dài và kết thúc ở mức giá dưới mức trước đó. Cuối cùng là một thanh nến tăng dài kết thúc trên điểm giữa của thanh nến đầu tiên.
Ý nghĩa: The Morning Star dự báo rằng xu hướng giảm hiện tại đang kết thúc, thường được xác định khi thanh nến thứ ba khởi động xu hướng tăng.
Three White Soldiers
Hình thức: Mô hình này bao gồm ba thanh nến màu xanh lá cây bên cạnh xu hướng giảm. Thanh nến thứ hai và thứ ba mở trong thân và đóng bên trên của thanh nến trước đó. Thanh nến thường có ít hoặc không có bấc dưới.
Ý nghĩa: Three White Soldiers cho thấy áp lực mua mạnh đẩy giá lên và thậm chí cho thấy sự đảo chiều giá sắp diễn ra. Nến càng lớn thì lực mua càng mạnh.
Mô hình nến giảm giá
The Hanging Man
Hình thức: The Hanging Man chính là ngược lại của nến Hammer, thường được hình thành vào cuối xu hướng tăng với thân nhỏ, bấc dài phía dưới.
Ý nghĩa: Biểu đồ nền dạng này dự báo sự suy yếu của xu hướng tăng và các nhà giao dịch thường xem đó là một tín hiệu bán.
The Shooting Star
Hình thức: Mô hình nến Shooting Star có cấu tạo bao gồm một thanh nến có thân nhỏ và có bấc phía dưới ngắn, bấc phía trên dài. Mô hình này thường xảy ra ở đỉnh của một xu hướng tăng.
Ý nghĩa: Mô hình này cho thấy giá bị từ chối mạnh sau một đợt đẩy giá đáng kể. Đây có thể coi là một tín hiệu về sự đảo chiều về xu hướng giảm giá.
The Bearish Engulfing
Hình thức: The Bearish Engulfing có hình thức như một cây đèn hai chân. Đầu tiên là xu hướng tăng giá, tiếp theo là xu hướng giảm mạnh hơn xu hướng tăng ban đầu. Nói cách khác, thanh nến thứ hai có thân lớn hơn thanh nến thứ nhất.
Ý nghĩa: Mô hình này cho thấy áp lực bán gia tăng và sự bắt đầu của một xu hướng giảm tiềm năng.
The Evening Star
Hình thức: The Evening Star là mô hình ngược lại của The Morning Star. Nó được hình thành từ ba thanh nến khác nhau trong một xu hướng tăng. Đầu tiên là một thanh nến tăng dài. Tiếp theo là một thanh nến có bấc dài và thân ngắn. Cuối cùng là một thanh nến giảm dài, kết thúc dưới điểm giữa của thanh nến đầu tiên.
Ý nghĩa: Mô hình này dự báo rằng xu hướng hiện tại đang mất dần sức mạnh và các nhà giao dịch có thể sử dụng để mở các vị thế bán.
Three Black Crows
Hình thức: Three Black Crows có thể được nhận biết bằng ba thanh nến màu đỏ bên trong của một xu hướng tăng. Thanh nến thứ hai và thứ ba mở trong thân và đóng bên dưới của thanh nến trước. Thanh nến thường có ít hoặc không có bấc dưới.
Ý nghĩa: Mô hình cho thấy áp lực bán mạnh đẩy giá xuống và thể hiện một sự đảo chiều về giá.
The Dark Cloud Cover
Hình thức: The Dark Cloud Cover là biểu đồ nến bắt đầu bằng một thanh nến đỏ với giá khởi điểm trên mức giá kết thúc của thanh nến xanh trước đó, sau đó kết thúc dưới điểm giữa của chính thanh nến đó. Mô hình này thường xuất hiện trong một xu hướng tăng.
Ý nghĩa: Mô hình này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, đây là dấu hiệu của sự kết thúc của xu hướng tăng hiện tại. Thứ hai, các nhà giao dịch thường xem đây là một tín hiệu bán.
Kết luận
Nhìn chung, biểu đồ nến chứa nhiều thông tin về xu hướng của thị trường hơn những dạng biểu đồ thông thường khác. Vì vậy, việc trao dồi kiến thức để đọc được biểu đồ nến có thể mang lại cho nhà đầu tư tiền điện tử một lợi thế nhất định trong việc dự đoán xu hướng của thị trường. Và bạn cũng đừng quên theo dõi chuyên mục Kiến thức crypto để khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!