ICO là một trong những hình thức gọi vốn cộng đồng thông dụng kể từ những năm 2018, khi mà thị trường tiền điện tử bắt đầu phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, hình thức này cũng tồn tại nhiều nhược điểm mà kẻ lừa đảo dựa vào đó để “scam” những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Vậy làm thế nào để nhận biết dự án ICO uy tín? 24htienao sẽ chia sẻ một số thủ thuật hiệu quả để đánh giá một dự án ICO ngay sau đây!
ICO là gì?
ICO (Initial Coin Offering) là một hình thức gọi vốn phổ biến trong ngành công nghiệp tiền điện tử tương tự như IPO của các công ty thông thường. ICO cho phép các dự án start-up có thể gây quỹ mà không từ bỏ vốn chủ sở hữu và thiết lập một cộng đồng người dùng nắm giữ token của họ trước khi chúng tăng giá trị trên thị trường. Số vốn gọi được dùng để tiếp tục phát triển dự án, ứng dụng hoặc dịch vụ.
Những nhà đầu tư quan tâm đến ICO có thể tham gia vào đợt chào bán và nhận lại token do chính dự án đó phát hành. Token này có thể sử dụng cho một số tiện ích hoặc sản phẩm dịch vụ mà công ty đó cung cấp, nhưng đôi khi nó cũng chỉ có thể đại diện như cổ phần của công ty hoặc dự án. Tuy nhiên, lợi ích chủ yếu mà những nhà đầu tư mong đợi đó là sự tăng giá của token khi dự án thành công.
Một trong những dự án ICO thành công nhất trong lịch sử có thể kể đến Etherum, với số tiền huy động được là hơn 15 triệu USD vào năm 2014. 50 triệu ETH đã được bán với giá khởi điểm là 0.3 USD, với ROI đạt hơn 1,600,000% tính theo ATH của Etherum là 4,891 USD vào ngày 16 tháng 11 năm 2021.
Cách thức hoạt động
Trước khi huy động vốn thông qua hình thức ICO, một dự án công nghệ mới thường sẽ công bố whitepaper để phác thảo thông tin dự án bao gồm các nội dung cơ bản như: số tiền cần huy động, softcap, hardcap, tổng số token phát hành, tokenomics, loại tiền nào được chấp nhận và thời gian diễn ra ICO.
Trong một chiến dịch ICO, những nhà đầu tư và người ủng hộ dự án có thể mua token qua những kênh thanh toán và loại tiền được mô tả trong whitepaper. Những token này có chức năng tương đối giống với cổ phiếu của một công ty được bán cho các nhà đầu tư trong một đợt IPO.
Nếu số tiền huy động được không đạt được softcap khi hết thời gian mở bán, dự án có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền lại cho nhà đầu tư và đợt ICO này sẽ được đánh giá là thất bại. Và ngược lại, nếu dự án huy động được số tiền tương ứng với hardcap trước thời gian dự kiến, ICO sẽ kết thúc.
Rủi ro khi đầu tư vào ICO
Bất kỳ khoản đầu tư nào được thực hiện thông qua ICO đều có thể xem là đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều ICO lừa đảo đang tràn lan trên thị trường nhằm nhắm đến các nhà đầu tư không có kinh nghiệm đánh giá dự án. Theo một báo cáo của Satis vào năm 2018, có đến gần 80% ICO vào thời điểm đó là lừa đảo và nhà đầu tư không nhận được hoặc chỉ nhận được token rác không có giá trị sau đợt ICO.
Một ICO được đánh giá là thành công khi token của dự án được list trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Khi này, những nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt ICO sẽ có cơ hội mua được token mình yêu thích. Giá của token phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, nhưng không thường giá token khi lên sàn sẽ cao hơn đáng kể so với giá ICO.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu bán các token ICO ra thị trường của những nhà đầu tư nhằm mục đích thu hồi vốn quá lớn sẽ dẫn đến hiện tượng bán tháo. Giá token sẽ giảm mạnh, gây thiệt hại cho những holder chân chính. Đó cũng là lý do tại sao ngày càng có ít dự án sử dụng hình thức ICO để huy động vốn. Tính từ năm 2018, theo thống kê, có đến 50% dự án ICO không thể tồn tại quá bốn tháng, hay có đến hơn 21,000 dự án ICO đã thất bại và token của những dự án đó được gọi là “death coin”.
Làm thế nào để đánh giá một ICO uy tín
Tìm hiểu về đội ngũ phát triển
Yếu tố quan trọng nhất để thành công của bất cứ start up nào, không chỉ riêng tiền điện tử chính là đội ngũ phát triển và quản trị đằng sau dự án đó. Thị trường tiền điện tử cũng có nhiều tên tuổi lớn, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, chẳng hạn như Vitalik Buterin (nhà sáng lập Etherum) hay CZ (Changpeng Zhao – CEO của Binance). Vì vậy, nhiều dự án lừa đảo thường cố tình tạo ra tiểu sử giả nhằm thêm các tên tuổi lớn vào danh sách đội ngũ phát triển của họ. Phương pháp lừa đảo này ngày càng trở nên phổ biến.
Cách tốt nhất giúp bạn xác minh thông tin là dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các thành viên trong đội ngũ phát triển của dự án bạn dự định đầu tư. Nếu như bạn không thể tìm thấy bất kỳ thông tin về một thành viên cụ thể nào trên các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter hay LinkedIn, đó sẽ là một dấu hiệu xấu. Khi đã tìm thấy trang mạng xã hội, bạn phải xem trang đó có hoạt động thường xuyên hay không. Số lượng người theo dõi và lượt tương tác cũng là một trong những yếu tố để đánh giá.
Ngoài việc kiểm tra thông tin về các thành viên trong đội ngũ phát triển, bạn cũng nên đánh giá thêm về kinh nghiệm họ có được xem có phù hợp với dự án hay không. Những thông tin chẳng hạn như những dự án mà họ đã từng tham gia, hay các bài báo khóa học có liên quan,… sẽ củng cố thêm mức độ tin cậy của dự án.
Tìm hiểu về whitepaper
Whitepaper là tài liệu cơ bản của một dự án tiền điện tử với các thông tin chính như đã trình bày ở mục trên. Có một số dự án mặc dù whitepaper trông có vẻ rất hoành tráng những lại trình bày sai những khái niệm cơ bản, đó là tín hiệu không tốt. Whitepaper phải giải đáp được tất cả những gì mà một nhà đầu tư có thể thắc mắc, đồng thời đưa ra được những khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh.
Đối với những dự án không cung cấp được whitepaper, bạn nhất định không được “xuống tiền”. Tuy nhiên, các phương thức lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn. Như trường hợp của PlexCoin, họ công bố whitepaper rất thuyết phục và huy động được một lượng vốn lớn từ những nhà đầu tư. Nhưng PlexCoin bị Ủy ban chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cấm ngay sau đó vì liên quan đến các hoạt động lừa đảo.
Tìm hiểu thông tin về chiến dịch
Đầu tiên, bạn nên kiểm tra các thông tin về phân bổ token xem tỉ lệ token được bán trong đợt ICO có hợp lý hay không. Những dự án uy tín thường huy động ICO với số lượng token tương đối thấp, vì lượng token còn lại phải đủ cho hoạt động phát triển hệ thống cũng như cộng đồng sau này. Các dự án có tỉ lệ bán token ICO cao thường là lừa đảo hoặc ít ra cũng rất khó phát triển trong tương lai.
>>>Click vào ĐÂY để tìm hiểu review về các dự án ICO và hướng dẫn nhận airdrop
Thứ hai, bất kỳ dự án ICO nào cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình huy động vốn từ động đồng. Những dự án uy tín sẽ công bố minh bạch tất cả các thông tin như tiến trình huy động vốn, số lượng người đã tham dự hay số lượng token đã được bán. Một số dự án ICO lừa đảo sẽ cố tình lấy lý do bảo mật thông tin người dùng để che giấu những thông tin trên, nhằm tạo FOMO cho các nhà đầu tư mới.
Kết luận
Dù ICO là hình thức gọi vốn cộng đồng thông dụng, nhưng lại dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản trong thời điểm mà nhiều quốc gia chưa công nhận tiền điện tử như một phương tiện thanh toán hợp pháp. Nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới, cần cẩn thận tìm hiểu thông tin dự án trước khi “xuống tiền” vào bất cứ ICO nào để tránh “tiền mất tật mang”. Và đừng quên theo dõi chuyên mục Kiến thức crypto để sưu tầm thêm cho mình những thủ thuật hữu ích nhé!