Cho dù là một trader có kinh nghiệm hay vừa mới tham gia thị trường crypto, chắc hẳn dạo gần đây bạn cũng thường nghe nhắc đến cụm từ NFT. Kể từ khi tác phẩm “The First 5000 Days (Beeple)” được bán với giá 69,3 triệu USD, hay game Axie Infinity đạt vốn hóa lên đến hàng tỷ USD, thị trường NFT bỗng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Vậy NFT chỉ là một trào lưu? Và tương lai nào dành cho NFT? Hãy cùng 24htienao phân tích về chủ đề thú vị này nhé!
>>Đọc thêm: Axie Infinity nhận thêm 152 triệu đô vốn cho vòng Series B từ nhà đầu tư
NFT (Non-fungible token) là gì?
NFT là viết tắt của Non-fungible token, nghĩa là token không thể thay thế. Các token này đại diện cho một quyền sở hữu một tài sản kỹ thuật số duy nhất, có thể là những thứ liên quan đến nghệ thuật, đồ sưu tầm hoặc các nhân vật, item trong game.
Mỗi NFT chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm nhất định, và chúng được bảo mật bởi một blockchain nào đó. Không ai có quyền sao chép hay sửa đổi quyền sở hữu của một NFT đang tồn tại. Mặc dù có nhiều nền tảng để phát hành NFT, nhưng Etherum là phổ biến hơn cả, dưới dạng các token ERC-721 hay ERC-1155.
NFT và tiền điện tử khác nhau thế nào?
Dù cách tạo ra NFT và tiền điện tử có vẻ giống nhau, nhưng đây là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Tiền thật và tiền điện tử đều có thể thay thế được, có nghĩa là chúng có thể mua bán và trao đổi cho nhau. Chúng cũng có giá trị ngang nhau, chẳng hạn như hai tờ mệnh giá 500.000 VND là có giá trị như nhau, 1 BTC hoặc 1 ETH có giá trị ngang với 1 BTC hoặc 1 ETH khác. Chính khả năng này giúp tiền điện tử có thể thực hiện các giao dịch.
Ngược lại, mỗi NFT đều có một chữ ký điện tử riêng, khiến cho chúng không thể nào giao dịch ngang hàng được. Ví dụ đơn giản như hai vật phẩm trong một trò chơi, cùng đều là NFT nhưng không có giá trị giống nhau.
NFT vs các sản phẩm kỹ thuật số truyền thống
NFT có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến copy và bản quyền của nhiều sản phẩm trên Internet hiện nay:
NFT |
Các sản phẩm kỹ thuật số truyền thống |
Về mặt kỹ thuật, NFT là duy nhất và không thể có cái thứ hai. | Các dạng file như mp3, mp4, png, jpeg,… có thể dễ dàng sao chép ra bản sao giống hệt bản chính. |
Một sản phẩm NFT bắt buộc phải có chủ sở hữu .Thông tin chủ sở hữu là công khai trên blockchain và ai cũng có thể tra cứu. | Khi một nhà sản xuất sau khi tạo ra một sản phẩm kỹ thuật số, họ sẽ lưu trữ trên máy chủ của mình. Bất cứ ai muốn sử dụng đều phải thông qua sự cho phép. |
NFT tương thích với mọi thứ trên nền tảng Etherum, vì vậy chủ sở hữu có thể dễ dàng mua bán, trao đổi. Bạn có thể bán NFT của mình và mua một vé xem ca nhạc điện tử mà không gặp bất kỳ trở ngại gì. | Một công ty muốn phát hành vé điện tử phải tự phát triển hệ thống riêng. |
Người sáng tạo nội dung có thể tự do mua bán trên thị trường toàn cầu. | Người sáng tạo nội dung chỉ có thể bán được trên một số nền tảng và phải tuân theo các điều khoản mà nền tảng đó đặt ra. Đôi khi việc mua bán cũng trở nên khó khăn do khoảng cách địa lý. |
Người sáng tạo nội dung có quyền sở hữu tuyệt và được hưởng toàn bộ giá trị của tác phẩm khi giao dịch. | Các nền tảng bán tác phẩm thu lợi phần lớn, ví dụ như các dịch vụ streaming, sách điện tử, âm nhạc,… |
Với những ưu điểm như trên, NFT ngày càng được ưa chuộng và ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực nghệ thuật số như: ảnh GIFs, sản phẩm sưu tầm, âm nhạc, video.
Marketplaces
Để sở hữu cho mình một NFT, đầu tiên bạn phải sở hữu ví điện tử có hỗ trợ lưu trữ tiền điện tử và NFT. Thứ hai, bạn cần có số dư nhất định của loại tiền điện tử mà nhà cung cấp NFT yêu cầu. Sau khi đã đáp ứng đủ hai điều kiện trên, việc còn lại chỉ đơn giản là “đi chợ”. Một số “chợ NFT” lớn nhất hiện nay có thể kể đến:
- OpenSea.io: Đây là một nền tảng mở, cho phép người dùng mua và bán NFT. Để bắt đầu đi “chợ”, bạn chỉ cần tạo một tài khoản, sau đó kết nối với ví điện tử của mình (chẳng hạn như Metamask) là có thể mua bất cứ NFT nào mình muốn.
- Rarible: Tương tự như OpenSea, Rarible là một sàn mở, cho phép nghệ sĩ và nhà sáng tạo bán NFT. Các token RARI được phát hành trên nền tảng này để thực hiện các tính năng như thu phí và quy tắc cộng đồng.
- Foundation: Nền tảng này có một chút khác biệt, các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung phải nhận được vote hoặc lời mời từ những đồng nghiệp để có thể đăng bán tác phẩm của họ.
- Ngoài ra, còn có nhiều marketplace trên các nền tảng khác nhau như: BinanceNFT (BEP20), AtomicHub (Wax), SolanaArt (SOL),…
Bong bóng NFT?
Có vẻ như dạo gần đây thế giới “hơi quá phấn khích” với cơn sốt NFT, như những gì đã từng xảy ra với Dogecoin hay Shiba Inu. Tin tức về những người nổi tiếng như ca sĩ Grimes hay Youtuber Logan Paul phát hành những tác phẩm NFT đầy trên những mặt báo, càng góp phần đẩy trào lưu này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trong đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ:
- Thứ nhất, NFT không có giá trị nhất định mà tùy thuộc vào tính thẩm mỹ và nhu cầu của người sử dụng, cũng không thể coi nó là một khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, nhiều cá nhân cố tình đầu cơ để đẩy cao giá trị hơn nhiều lần so với nhu cầu thực tế.
- Thứ hai, NFT bản chất là một token, nên cần phải có một sàn giao dịch để mua bán trao đổi. Có một thực tế là nhiều sàn giao dịch bảo mật không tốt, dễ dàng trở thành mục tiêu cho các hacker.
- Cuối cùng, NFT có tính duy nhất nhưng không có nghĩa là bạn có thể ngăn cản người khác tạo ra những NFT khác có “ngoại hình” giống y chang bản gốc. Chỉ cần một phút sơ sẩy, không kiểm tra kỹ thông tin trên blockchain, bạn có thể rơi vào bẫy của những tay lừa đảo.
Theo báo cáo 2020, giá trị của thị trường nghệ thuật kỹ thuật số đã tăng 299% trong năm qua, nhưng đó chỉ là phần nổi vì chưa được tính toán kỹ phần chìm: trò chơi điện tử, âm nhạc hoặc liên quan đến các đội thể thao.
Báo cáo cũng ghi nhận có nhiều NFT được bán với giá trị cao khủng khiếp. Như dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey dưới dạng NFT đã bán được 3 triệu USD, hay meme Nyan Cat (mèo cầu vòng) cũng có giá 600.000 USD. Hầu như bất kỳ tài sản nào dưới dạng NFT cũng có thể được bán với giá cao ngất ngưỡng như thế.
>>Đọc thêm: Tiktok sử dụng Etherum layer2 cho bộ sưu tập NFT đầu tiên
Tuy nhiên, gần đây thị trường cũng có những biến động mạnh mẽ qua các chỉ số theo dõi. Số người tham gia vào thị trường đã giảm 80% từ 650.000 xuống còn 128.000 vào đầu tháng 8. Doanh số bán vào tháng 2/2020 đạt 200 triệu USD, nhưng giảm dần đều và chỉ đạt 25 triệu USD vào tháng 5. Một số người xem đấy là dấu hiệu của sự thoái trào.
Tuy nhiên đến tháng 8 doanh số bán NFT lại tăng mạnh, lập kỷ lục mới với 206 triệu USD. Nói tóm lại, theo ý kiến của các chuyên gia, họ cũng không chắc chắn về rủi ro và tương lai của NFT, cần nhiều thời gian hơn để đánh giá.
Tương lai nào cho NFT?
Ngoài vai trò quan trọng, đang làm mưa làm gió trong thị trường nghệ thuật kỹ thuật số, NFT cũng có tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng nó vào đời sống hàng ngày. Các nghệ sĩ có thể đính kèm một số quy tắc nhất định cho tác phẩm của họ, để đảm bảo rằng họ sẽ hưởng lợi từ mỗi lần giao dịch hoặc tăng giá của sản phẩm.
NFT cũng có thể khắc phục vấn đề hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là đối với các món đồ sưu tập, hay các vật phẩm kỷ niệm, thể thao. Vé sự kiện, hợp đồng hay các giấy tờ liên quan đến pháp lý sở hữu. Và sẽ còn rất nhiều ứng dụng nữa mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa hề nghĩ đến!
Nhận xét
Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, khi trào lưu NFT mất đi sức nóng, cũng có lẽ đó là lúc người ta sẽ quan tâm hơn đến phần công nghệ cốt lõi và ứng dụng của nó vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng với thị trường hiện tại thì NFT không hẳn là một khoản đầu tư tốt và an toàn, thậm chí có phần “điên rồ”, nhưng cũng đáng để bạn bỏ ra một số tiền nhỏ để trải nghiệm. Hãy theo dõi chuyên mục Nghiên cứu chuyên sâu để cập nhật thêm thông tin về những chủ đề nóng hổi nhé!