Trong những năm gần đây, lượng người dùng các sản phẩm công nghệ liên quan đến blockchain đang tăng lên theo cấp số nhân. Kể từ năm 2016, số người nắm giữ tài sản điện tử trên các sàn giao dịch và ví cũng tăng từ 5 triệu lên hơn 200 triệu.
Tuy nhiên, số lượng người dùng blockchain và người hiểu về blockchain thì lại chênh lệch đáng kể. Có tới 98% số người dùng tiền điện tử không hiểu các khái niệm cơ bản. Khi được khảo sát, người dùng thừa nhận rằng trước giờ vẫn nhầm tưởng “blockchain” và “Bitcoin” là giống nhau. Nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Gần đây, thị trường cũng tương đối hạ nhiệt so với thời điểm một năm trước. Có thể nói đây là thời điểm lý tưởng để những người ủng hộ tiền điện tử có thể nghỉ ngơi, trao dồi thêm kiến thức để thực sự hiểu về blockchain và tiền điện tử.
Sự ra đời của blockchain
Trước khi tìm hiểu về blockchain, chúng ta sẽ sơ lược về lịch sử hình thành của nó. Từ năm 2008 đến năm 2010, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dẫn đến sự thua lỗ của hơn 300 ngân hàng. Điều này khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào khả năng quản lý tiền của hệ thống ngân hàng.
Cũng trong thời gian này, công nghệ blockchain, lần đầu được đề cập vào những năm 1990, được ứng dụng vào thực tế như một hệ thống để tạo điều kiện thực hiện các giao dịch mà không cần một bên trung gian. Bằng cách này, mọi người có thể kiểm soát tiền của mình mọi lúc mọi nơi và vẫn có thể thực hiện giao dịch một cách dễ dàng.
Bitcoin là tiền điện tử đầu tiên, hay còn có tên gọi khác là tiền kỹ thuật số, sử dụng công nghệ blockchain. Với Bitcoin, mọi người có thể trao đổi ngang hàng một cách trực tiếp với nhau qua internet mà không cần phải không qua ngân hàng.
Blockchain hoạt động như thế nào?
Một blockchain sẽ ghi lại hồ sơ giao dịch trên chuỗi khối của nó. Nhưng blockchain có khả năng loại bỏ mọi rủi ro sai lệch do hệ thống hoặc do con người gây ra vì mỗi giao dịch đều được xác minh bởi nhiều node thay vì một bên trung gian. Chẳng hạn như Bitcoin hiện đang có khoảng 40.000 node đang hoạt động.
Các giao dịch chỉ được ghi lại trên blockchain nếu phần lớn các node này chấp nhận rằng chúng hợp lệ. Do đó, hồ sơ giao dịch là không thể bị làm giả. Một khi giao dịch đã được ghi lại trên chuỗi khối, nó cũng không thể bị thay đổi hoặc xóa đi. Cũng không thể thực hiện giao dịch tiền điện tử mà không ghi lại trên blockchain.
Vì vậy, Bitcoin luôn có một bản ghi về tất cả các giao dịch mà nó đã được thực hiện. Bản ghi này được công bố công khai và không thể bị thao túng bởi bất kỳ cá nhân nào. Công nghệ blockchain này cũng được sử dụng làm nền tảng để tạo ra các loại tiền điện tử khác mà bạn có thể biết, chẳng hạn như Ethereum, BNB, Solana,…
Tại sao blockchain lại mang tính đột phá
Bằng cách đảm bảo rằng các giao dịch không thể thay đổi sau khi đã được ghi lại trên chuỗi khối, công nghệ blockchain loại bỏ hoàn toàn rủi ro tranh chấp khi giao dịch thất bại và tăng tính minh bạch trong hoạt động tiền tệ.
Các ngân hàng thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề bồi hoàn do sai sót của con người dẫn đến tăng chi phí hoạt động. Cuối cùng, chính người dùng cuối phải trả những loại chi phí này dưới dạng phí giao dịch. Phí có thể rất cao, đặc biệt là khi gửi tiền ra nước ngoài.
Với công nghệ blockchain, người dùng chỉ phải trả phí giao dịch rất thấp và thời gian xử lý giao dịch cũng nhanh hơn nhiều. Nếu như chuyển khoản quốc tế thông qua ngân hàng có thể mất đến 5 ngày để xử lý, thì các giao dịch tiền điện tử thường có thể hoàn thành chỉ trong vài phút. Các ứng dụng tiền điện tử ngày nay cũng tạo điều kiện để người dùng chuyển tiền đơn giản nhất có thể. Một số ứng dụng thậm chí còn cho phép mua hàng trong thế giới thực.
Đối với doanh nghiệp, việc chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử nghĩa là doanh nghiệp đang sử dụng một giải phải thanh toán thay thế rẻ hơn thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng đôi khi tính phí đến 5% cho mỗi giao dịch. Tại Singapore, các nhà hàng và quán bar hiện cũng cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền điện tử.
Blockchain không chỉ ứng dụng trong tài chính
Mặc dù blockchain được biết đến với ưu thế vượt trội trong lĩnh vực tài chính, nhưng công nghệ blockchain không chỉ có thế.
Về lý thuyết, bất kỳ giao dịch nào cũng có thể được ghi lên chuỗi khối không chỉ riêng gì tiền điện tử. Đặc tính này mở ra vô vàng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như sưu tầm, quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống bỏ phiếu,…
Với các token không thể thay thế (NFT), blockchain là công nghệ lõi được sử dụng để xác minh tính xác thực của các tệp kỹ thuật số và lịch sử của tệp bao gồm: ai đã tạo ra chúng, ai là chủ sở hữu trước đây và ai đang là chủ sở hữu hiện nay. NFT được sử dụng rộng rãi từ các tác phẩm nghệ thuật, nhạc, video, cho đến chứng chỉ tốt nghiệp hay đơn thuốc được kê bởi bác sĩ.
Một vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực nghệ thuật, đó chính là những bản sao giả mạo của các tác phẩm nổi tiếng. Thông thường, người mua phải tự nghiên cứu hoặc nhờ chuyên gia giám định để đảm bảo tác phẩm nghệ thuật là thật và việc mua hàng của họ là hợp pháp. Nhưng với NFT thì khác. Mỗi NFT đều có một đặc trưng riêng giúp nó trở nên không thể thay thế được, nói nôm na là không thể làm giả. Mọi người có thể truy xuất các thông tin lịch sử giao dịch trên một NFT để xác định được chính xác người tạo ra NFT đó.
Công nghệ blockchain cũng tỏ ra khá hữu ích khi ứng dụng để quản lý các chuỗi cung ứng phức tạp. Một công ty lớn thường sẽ phải theo dõi các lô hàng và xử lý những khoản thanh toán một cách thủ công. Quá trình này không chỉ không hiệu quả về mặt tài chính mà còn mất nhiều thời gian, đôi khi dẫn đến chậm trễ.
Walmart là một ví dụ điển hình. Mỗi ngày công ty này gửi hàng nghìn chuyến hàng và sử dụng dịch vụ vận tải của nhiều nhà cung cấp khác nhau. Việc áp dụng công nghệ blockchain giúp Walmart có thể đồng bộ hóa tất cả các dịch vụ hậu cần và triển khai hệ thống thanh toán tự động.
Cuối cùng, blockchain có thể thay đổi thói quen bỏ phiếu như hiện nay. Từ các chương trình truyền hình thực tế hay các cuộc bầu cử trên toàn cầu, không khó để bắt gặp các bê bối liên quan đến gian lận kết quả. Blockchain có thể giúp quá trình bỏ phiếu công bằng và minh bạch. Mỗi phiếu bầu đều được ghi lại như một giao dịch, có thể được xem và xác minh bởi tất cả mọi người.
Đọc thêm: Việt Nam ủng hộ quan hệ đối tác mới để mã hóa hồ sơ bằng Blockchain
Sự trỗi dậy của Web3
Trong khi tiền điện tử đang thay đổi ngành tài chính, Web3 với nền tảng là công nghệ nghệ blockchain đang hướng đến điều tương tự với internet. Hiện tại, Web2 vẫn còn được đang sử dụng rộng rãi luôn cần phải có máy chủ để lưu trữ. Chủ sở hữu của các máy chủ có quyền truy cập vào dữ liệu và chỉ định người dùng nào được sử dụng dịch vụ của họ.
Ngược lại, Web3 sẽ lưu trữ trên một mạng máy tính, tương tự các node của Bitcoin. Không cá nhân nào có quyền hạn chế truy cập của người khác vào các ứng dụng này. Nhưng các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn rằng Web3 có thể thay thế hoàn toàn Web2 hay chúng sẽ cùng tồn tại song song. Nhưng có một điều khẳng định: Internet trong tương lai sẽ khác xa chúng ta hiện tại.
Đọc thêm: Web3, NFTs, Metaverse: Công cụ thiết thực cho một tương lai phi tập trung
Kết luận
Khi thị trường tiền điện tử mất đi sức nóng vốn có của nó cũng chính là lúc chúng ta, cả người dùng và nhà phát triển, tập trung hơn vào các giá trị cốt lõi mà công nghệ blockchain mang lại. Chắc hẳn trong thời gian tới, công nghệ blockchain sẽ thổi một làn gió mới vào các ngành nghề truyền thống vốn đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải.